Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chủ yếu lây từ chó sang người. Bệnh do vi rút dại gây ra, tác động đến hệ thần kinh gây điên dại và chết. Bệnh dại rất nguy hiểm do với con người do khi người đã lên cơn dại thì không chữa được; người bị chó, mèo dại hay nghi mắc bệnh dại cắn mà không đi tiêm phòng vắc xin kịp thời và tiêm không đủ liều thì có thể chết vì bệnh dại. Ở nước ta, từ 2017- 2023 có 527 người tử vong vì bệnh dại; trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, trong 10 năm qua có 31 người chết vì bệnh dại; có 100 % số người bị chết do bệnh dại là do chó, mèo cắn. Bệnh dại có thể lây từ chó, mèo sang người từ nước dãi của chó, mèo sang vết thương hở trên da người, việc này chủ yếu do chó, mèo mắc bệnh dại cắn người và vi rút dại lây từ nước dãi của chó, mèo sang; người giết mổ chó, mèo cũng có nguy cơ nhiễm bệnh khi vi rút dại lây từ nước dãi chó, mèo sang vết thương hở hay khi họ tiếp xúc với phần não, tế bào thần kinh của chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn không được hoảng hốt, phải thực hiện các bước sau để phòng chống nhiễm bệnh dại:
- Rửa ngay vết cắn trong vòng 15 phút bằng nước chảy liên tục dưới vòi nước chảy và xà phòng đặc. Nếu không có xà phòng hãy rửa ngay vết cắn dưới vòi nước. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại.
- Sát trùng vết cắn với thuốc sát trùng như cồn y tế, cồn Iốt nếu có.
- Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương; tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Một số vi phạm trong quy định phòng chống bệnh dại nếu người dân không chấp hành sẽ bị xử lý như sau:
- Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng. Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (theo Điều 7 của Nghị định 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y).
- Hành vi để chó cắn chết người phụ thuộc vào ý thức chủ quan của chủ nuôi mà người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo những tội danh khác nhau quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017: Tội giết người (Điều 123), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội vô ý làm chết người (Điều 128). Theo Điều 128, Tội vô ý làm chết người: Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Vì vậy, mọi người dân hãy nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại để bảo vệ sức khoẻ gia đình và cộng đồng.