Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
    Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin xã Yên Hùng như thế nào?
    170 người đã bình chọn
    21 người đang online

    Quy chế làm việc xủa UBND xã nhiệm kỳ 2016-2021

    100%

    UỶ BAN NHÂN DÂN                    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    XÃ YÊN HÙNG                                     Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    Số 69/ QĐ - UBND                                     Yên Hùng, ngày 15 tháng 7 năm 2016

     

    QUYẾT ĐỊNH

    V/v Ban hành quy chế làm việc của UBND xã nhiệm kỳ 2016-2021

     

    CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ

    Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

    Căn cứ vào kết quả bầu các chức danh thành viên UBND xã tại kỳ họp thứ nhất HĐND xã  nhiệm kỳ 2016-2021 của xã Yên Hùng;

    Xét đề nghị của Văn phòng uỷ ban nhân dân xã.

     

    QUYẾT ĐỊNH

     

    Điều 1:  Ban hành quy chế làm việc của UBND xã Yên Hùng nhiệm kỳ 2016-2021. (có quy chế kèm theo)

    Điều 2: Văn phòng UBND xã, Thành viên UBND xã, cán bộ công chức xã và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

     

    Nơi nhận:                                                                      CHỦ TỊCH

    - Như điều 2 QĐ;                                                                         

    - Ban thường vụ ĐU; (BC)

    - Thường trực HĐND; (BC)

    - Lưu VP UBND xã.                                                                    

                                                                                   Nguyễn Hữu Hồng

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    UỶ BAN NHÂN DÂN               CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

       XÃ YÊN HÙNG                                     Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

     

    QUY CHẾ LÀM VIỆC

    Của ủy ban nhân dân xã Yên Hùng nhiệm kỳ 2016-2021

    (Ban hành kèm theo Quyết Định số: 69 /QĐ- UBND

    ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân xã Yên Hùng)

     

     

     

    Chương I

    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

             

    Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

              1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, trình tự giải quyết công việc và quan hệ công tác của Uỷ ban nhân dân xã Yên Hùng.

              2. Chủ tịch, Phó chủ tịch, các uỷ viên Uỷ ban nhân dân xã, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã; Trưởng thôn, các tổ chức và cá nhân có quan hệ làm việc với Uỷ ban nhân dân xã chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.

              Điều 2. Nguyên tắc làm việc của UBND xã.

              1. Uỷ ban nhân dân xã làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân và tinh thần chủ động, sáng tạo của Chủ tịch, Phó chủ tịch, các uỷ viên Uỷ ban nhân dân xã. Mỗi người phụ trách nhiều công việc và chịu trách nhiệm chính. Mỗi thành viên Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm cá nhân về lĩnh vực được phân công.

              2. Chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước cấp trên, sự lãnh đạo của Đảng uỷ, sự giám sát của Hội đồng nhân dân xã; phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban nhân dân xã với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cùng cấp trong quá trình triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ.

              3. Giải quyết các công việc của Uỷ ban nhân dân và tổ chức theo đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và phạm vị trách nhiệm; bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả; theo đúng trình tự thủ tục, thời gian quy định và chương trình, kế hoạch công tác của Uỷ ban nhân dân xã.

              4. Thành viên UBND xã phải sâu sát cơ sở, lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của nhân dân, có ý thức học tập để nâng cao trình độ từng bước đưa hoạt động của Uỷ ban nhân dân xã ngày càng chính quy, hiện đại, vì mục tiêu xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.

     

    Chương II

    TRÁCH NHIỆM, PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC

              Điều 3. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Uỷ ban nhân dân xã.

              1. Uỷ ban nhân dân xã thảo luận tập thể, Quyết định theo đa số các vấn đề được quy định tại Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 và những vấn đề quan trọng khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân xã.

              2. Cách thức giải quyết công việc của Uỷ ban nhân dân xã.

              a, Uỷ ban nhân dân xã  họp, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số các vấn đề quy định tại khoản 1 Điều này tại phiên họp Uỷ ban nhân dân xã.

              b, Đối với các vấn đề cần giải quyết gấp nhưng không tổ chức họp Uỷ ban nhân dân xã được, theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, văn phòng Uỷ ban nhân dân xã gửi toàn bộ hồ sơ của vấn đề cần xử lý đến các thành viên Uỷ ban nhân dân xã. Để lấy ý kiến nếu quá nữa tổng số thành viên Uỷ ban nhân dân xã nhất trí thì Văn phòng Uỷ ban nhân dân xã tổng hợp, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã  quyết định và báo cáo Uỷ ban nhân dân xã  kỳ họp gần nhất.

              Điều4. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của các thành viên Uỷ ban nhân dân xã.

              1. Trách nhiệm chung.

              a) Tích cực, chủ động tham gia các công việc chung của Uỷ ban nhân dân xã; tham dự đầy đủ các phiên họp của Uỷ ban nhân dân xã, cùng tập thể quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban nhân dân; tổ chức chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thường xuyên học tập nâng cao trình độ, nghiên cứu đề xuất với cấp có thẩm quyền về chủ trương, chính sách đang thi hành tại cơ sở. tăng cường kiểm tra đôn đốc cán bộ, công chức cấp xã, trưởng thôn, hoàn thành các nhiệm vụ;

              b) Không được nói và làm trái với nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân xã và văn bản chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên. Trường hợp có ý kiến khác thì vẫn phải chấp hành, nhưng được trình bày ý kiến với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.

              2. Trách nhiệm phạm vi giải quyết công việc của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.

    a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã  là người đứng đầu Uỷ ban nhân dân, lãnh đạo và điều hành mọi công việc của Uỷ ban nhân dân xã, chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, cùng với Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Uỷ ban nhân dân xã trước Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân xã và Uỷ ban nhân dân huyện.

              b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã triệu tập, chủ trì các phiên họp và các hội nghị khác của Uỷ ban nhân dân xã, khi vắng mặt thì uỷ quyền Phó chủ tịch chủ trì thay, đảm bảo việc chấp hành pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Nghị quyết của Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân xã.

              c) Căn cứ vào các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Nghị quyết của Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân xã và tình hình thực tiễn của địa phương, xây dựng chương trình công tác năm, quý, tháng của Uỷ ban nhân dân xã.

              d) Tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; phân công nhiệm vụ, đôn đốc, kiểm tra các thành viên Uỷ ban nhân dân xã và cán bộ, công chức khác thuộc Uỷ ban nhân dân xã, Trưởng thôn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

              đ) Quyết định những vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều nội dung công việc, những vấn đề đột xuất, phức tạp trên địa bàn; những vấn đề còn lại hoặc vượt quá thẩm quyền của Phó chủ tịch và các uỷ viên Uỷ ban nhân dân xã.

              e) Ký ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân xã và thẩm quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân theo quy định của pháp luật.

              g) Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của xã, hoạt động của Uỷ ban nhân dân xã với Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân xã và Uỷ ban nhân dân huyện.

              h) Thường xuyên trao đổi công tác với Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân cấp xã; Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ công tác; nghiên cứu, tiếp thu về các đề xuất của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác của Uỷ ban nhân dân; tạo điều kiện để các đoàn thể hoạt động có hiệu quả.

              i) Tổ chức việc tiếp dân, xem xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân theo quy định của pháp luật.

              3. Trách nhiệm, phạm vị giải quyết công việc của Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.

              a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực và địa bàn công tác do Chủ tịch phân công; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các công việc theo lĩnh vực được phân công trên địa bàn. Phó chủ tịch giải quyết công việc và chịu trách nhiệm khi giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực được giao.

              b) Chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch, trước Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân xã về lĩnh vực được giao, về những quyết định chỉ đạo, điều hành của mình; cùng Chủ tịch và các uỷ viên Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Uỷ ban nhân dân xã trước Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân xã và Uỷ ban nhân dân huyện. Đối với hững vấn đề vượt quá phạm vi thẩm quyền thì Phó chủ tịch phải báo cáo Chủ tịch quyết định.

              c) Khi giải quyết công việc, nếu có vấn đề liên quan đến phạm vi và trách nhiệm giải quyết công việc của thành viên khác của Uỷ ban nhân dân thì chủ động trao đổi, phối hợp với các thành viên đó để thống nhất cách giải quyết; nếu vẫn còn ý kiến khác nhau thì báo cáo Chủ tịch quyết định.

              d) Kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức, trưởng thôn thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật được giao.

              e) Chịu trách nhiệm về lĩnh vực Văn hoá, y tế, giáo dục, Nông lâm thuỷ sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

              4. Trách nhiệm, phạm vị giải quyết công việc của các uỷ viên Uỷ ban nhân dân xã.

              a) Uỷ viên Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã; cùng Chủ tịch và Phó chủ tịch chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Uỷ ban nhân dân xã trước Hội đồng nhân dân xã và Uỷ ban nhân dân huyện; nắm tình hình báo cáo kịp thời với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã về lĩnh vực công tác của mình và các công việc khác có liên quan.

              b) Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công việc thuộc lĩnh vực được phân công trên địa bàn; chủ động đề ra các biện pháp để hoàn thành tốt công việc đó.

              c) Phối hợp công tác với thành viên của Uỷ ban nhân dân, các cán bộ, công chức có liên quan và giữ mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân huyện (sau đây gọi chung là cơ quan chuyên môn cấp huyện) để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

              d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã  giao.

              e) Chịu trách nhiệm về lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

              Điều 5. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của công chức cấp xã.

              Ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ, công chức cấp xã còn có trách nhiệm:

              1. Giúp Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cấp xã, bảo đảm sự quản lý thống nhất theo lĩnh vực chuyên môn; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã và cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực được phân công.

              2. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động giải quyết công việc được giao sâu sát cơ sở, tận tuỵ phục vụ nhân dân, không gây khó khăn, phiền hà cho dân. Nếu vấn đề giải quyết vượt quá thẩm quyền, phản ánh kịp thời báo cáo Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch phụ trách để xin ý kiến.

              3. Tuân thủ quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân xã, chấp hành sự phân công công tác của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; giải quyết công việc kịp thời theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, không để tồn đọng, ùn tắc; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật và nội quy cơ quan.

              4. Không chuyển công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình lên Chủ tịch, Phó chủ tịch hoặc tự ý chuyển cho cán bộ, công chức khác; trong trường hợp nội dung công việc có liên quan đến cán bộ, công chức khác thì phải chủ động phối hợp và phải kịp thời báo cáo Chủ tịch và Phó chủ tịch xử lý.

              5. Chịu trách nhiệm bảo quản, giữ gìn hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác chuyên môn; tổ chức sắp xếp, lưu trữ tài liệu có hệ thống phục vụ cho công tác lâu dài của Uỷ ban nhân dân xã; thực hiện chế độ báo cáo bảo đảm kịp thời, chính xác tình hình về lĩnh vực công việc mình phụ trách theo quy định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.

              6. Cán bộ, công chức làm việc ngày 8 tiếng, 40 giờ/tuần. giờ làm việc theo quy định của nhà nước:

    Mùa hè:      Buổi sáng từ  7 giờ đến11 giờ 30 phút.

                                 Buổi chiều từ 13 giờ đến 16 giờ 30 phút.

    Mùa đông:           Buổi sáng từ  7 giờ 30 phút đến12 giờ .

                                 Buổi chiều từ 13 giờ  30 phút đến 17 giờ.

              Điều 6. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của cán bộ không chuyên trách cấp xã, Trưởng thôn.

              1. Cán bộ không chuyên trách cấp xã chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã về nhiệm vụ chuyên môn được Chủ tịch phân công, thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 5 quy chế này.

              2. Trưởng thôn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã về mọi mặt hoạt động của thôn; tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ công tác trên địa bàn; thường xuyên báo cáo tình hình công việc với Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách, đề xuất giải quyết kịp thời những kiến nghị của công dân, tổ chức và các thôn.

    3. Cán bộ không chuyên trách làm việc 1/2 ngày và làm việc 5 buổi/ tuần. Thời gian làm việc theo quy định của nhà nước và áp dụng như cán bộ công chức.

     

    Chương III

    QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ

              Điều 7. Quan hệ với Uỷ ban nhân dân huyện và cơ quan chuyên môn cấp huyện

              1. Uỷ ban nhân dân xã và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban nhân dân huyện.

              Trong chỉ đạo điều hành, khi gặp những vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc chưa được pháp luật quy định, Uỷ ban nhân dân xã phải báo cáo kịp thời để xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình với Uỷ ban nhân dân huyện và cơ quan chuyên môn cấp huyện theo quy định hiện hành về chế độ thông tin báo cáo.

              2. Uỷ ban nhân dân xã chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trên địa bàn xã; có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã.

              Uỷ ban nhân dân xã bố trí cán bộ, công chức đủ năng lực đáp ứng nhu cầu theo dõi các lĩnh vực công tác theo hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan chuyên môn cấp huyện, tuân thủ sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan chuyên môn cấp trên.

              Điều 8. Quan hệ với Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp xã.

              1. Quan hệ với Đảng uỷ xã.

              a) Uỷ ban nhân dân xã chịu sự lãnh đạo của Đảng uỷ xã trong thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước và các văn bản chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên.

              b) Uỷ ban nhân dân xã chủ động đề xuất với Đảng uỷ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và những vấn đề quan trọng khác ở đại phương; có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng để giới thiệu với Dảng uỷ những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực đảm nhận các chức vụ công tác chính quyền.

              2. Quan hệ với Hội đồng nhân dân xã.

              a) Uỷ ban nhân dân xã chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân xã; chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, báo cáo trước Hội đồng nhân dân xã; phối hợp với thường trực Hội đồng nhân dân chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Hội đồng nhân dân xã, xây dựng các đề án trình Hội đồng nhân dân xã xem xét, quyết định; cung cấp thông tin về hoạt động của Uỷ ban nhân dân xã, tạo điều kiện cho hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân xã.

              b) Các thành viên Uỷ ban nhân dân xã phải có trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân; khi được yêu cầu phải báo cáo giải trình về những vấn đề có liên quan đến công việc do mình phụ trách.

              c) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thường xuyên trao đổi, làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân xã để nắm tình hình, thu thập ý kiến cử tri; cùng Thường trực Hội đồng nhân dân xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

              3. Quan hệ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cấp xã.

              Uỷ ban nhân dân xã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ công tác, chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích của nhân dân; tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động có hiệu quả; định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi thấy cần thiết thông báo tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương hoặc các hoạt động của Uỷ ban nhân dân cho các tổ chức này biết để phối hợp, vận động, tổ chức các tầng lớp nhân dân chấp hành đúng đường lối chính sách, pháp luật và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước.

              Điều 9. Quan hệ giữa Uỷ ban nhân dân xã với Trưởng thôn.

              1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phân công các thành viên Uỷ ban nhân dân phụ trách, chỉ đạo, nắm tình hình các thôn. Hàng tháng các thành viên Uỷ ban nhân dân làm việc với Trưởng thôn thuộc địa bàn được phân công phụ trách hoặc trực tiếp làm việc với thôn để nghe phản ánh tình hình, kiến nghị và giải quyết các khiếu nại của công dân theo quy định của pháp luật.

              2. Trưởng thôn phải thường xuyên liên hệ với Uỷ ban nhân dân, để tổ chức quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo điều hành của cơ quan Nhà nước cấp trên và của Uỷ ban nhân dân xã để triển khai thực hiện; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

              Trưởng thôn kịp thời báo cáo với Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã tình hình mọi mặt của thôn, đề xuất biện pháp giải quyết khi cần thiết, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên đại bàn.

    Chương IV

    CHẾ ĐỘ HỘI HỌP, GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC

              Điều 10. Chế độ hội họp, làm việc của Uỷ ban nhân dân xã       

    1. Phiên họp của Uỷ ban nhân dân xã

              a) Uỷ ban nhân dân xã họp ít nhất mỗi tháng 1 lần, ngày họp cụ thể do Chủ tịch quyết định.

              Thành phần tham dự phiên họp gồm có: Chủ tịch, Phó chủ tịch và thành viên Uỷ ban nhân dân xã. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã  mời Thường trực Đảng uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng tham dự, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, người đứng đầu các tổ chức nhân dân, cán bộ không chuyên trách, công chức cấp xã và các trưởng thôn được mời tham dự khi bàn về các công việc có liên quan. Đại biểu mời tham dự được phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết.

              b) Nội dung phiên họp

              Nội dung phiên họp của Uỷ ban nhân dân xã gồm những vấn đề được quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy chế này.

              c) Trình tự phiên họp

              - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã chủ trì phiên họp. Khi Chủ tịch vắng mặt, uỷ quyền Phó chủ tịch chủ trì phiên họp.

              - Văn phòng Uỷ ban nhân dân xã báo cáo số thành viên Uỷ ban nhân dân xã có mặt, vắng mặt, đại biểu được mời dự và chương trình phiên họp.

              - Chủ đề án báo cáo đề án, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, những vấn đề cần thảo luận và xin ý kiến tại phiên họp.

              - Các đại biêu dự họp phát biểu ý kiến.

              - Chủ toạ phiên họp kết luận từng đề án và lấy biểu quyết. Đề án được thông qua nếu được quá nửa tổng số thành viên Uỷ ban nhân dân xã biểu quyết tán thành.

              Trường hợp vấn đề chưa được thông qua thì Chủ toạ yêu cầu chuẩn bị thêm để trình lại vào phiên họp khác.

              - Chủ toạ phát biểu ý kiến kết luận phiên họp.

              2. Giao ban của Chủ tịch và Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã

              a) Hàng tuần Chủ tịch, Phó chủ tịch họp giao ban 1 lần theo quyết định của Chủ tịch để kiểm điểm tình hình, thống nhất chỉ đạo các công tác; xử lý các vấn đề mới nảy sinh; những vấn đề cần báo cáo xin ý kiến của Uỷ ban nhân dân xã, Hội đồng nhân dân xã, Uỷ ban nhân dân huyện; chuẩn bị nội dung các phiên họp Uỷ ban nhân dân, các hội nghị, cuộc họp khác do Uỷ ban nhân dân xã chủ trì triển khai. Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân cấp xã và cán bộ, công chức xã được mời tham gia khi bàn về các vấn đề có liên quan.

    b) Trình tự giao ban:

              - Văn phòng Uỷ ban nhân dân xã báo cáo những công việc chính đã giải quyết. Tuần trước, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại và các công việc cần xử lý; chương trình công tác tuần.

              - Chủ tịch, Phó chủ tịch thảo luận, quyết định một số vấn đề thuộc quyền và xử lý các nội dung công tác.

    3. Khi cần thiết Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã triệu tập các trưởng thôn, một số cán bộ, công chức họp để chỉ đạo, giải quyết các vấn đề theo yêu cầu nhiệm vụ.

    4. Sáu tháng một lần hoặc khi thấy cần thiết, Uỷ ban nhân dân xã họp liên tịch với Thường trực Đảng uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân cấp xã, cán bộ không chuyên trách và công chức cấp xã, trưởng thôn để thông báo tình hình kinh tế – xã hội, kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân và triển khai nhiệm vụ công tác sắp tới.

    5. Các hội nghị chuyên đề, sơ kết, tổng kết công tác 6 tháng, cả năm của Uỷ ban nhân dân xã về các nhiệm vụ công tác cụ thể được tổ chức theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp trên.

    6. Làm việc với uỷ ban nhân dân huyện và cơ quan chuyên môn cấp huyện tại xã.

    a) Theo trương trình đã được Uỷ ban nhân dân huyện thông báo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã chỉ đạo Phó chủ tịch, các uỷ viên Uỷ ban nhân dân, các cán bộ, công chức có liên quan cùng Văn phòng Uỷ ban nhân dân xã chuẩn bị nội dung, tài liệu làm việc với Uỷ ban nhân dân huyện và cơ quan chuyên môn cấp huyện.

              b) Căn cứ nội dung công tác cụ thể, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã có thể uỷ quyền cho Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung và trực tiếp làm việc với cơ quan chuyên môn cấp huyện, báo cáo kết quả và xin ý kiến Chủ tịch về những công việc cần triển khai.

    7. Các cán bộ, công chức cấp xã phải tham dự đầy đủ và đúng thành phần quy định các cuộc họp, tập huấn do cấp trên triệu tập; sau khi dự họp, tập huấn xong phải báo cáo kết quả cuộc họp và kế hoạch công việc cần triển khai với Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch phụ trách.

    8. Việc tổ chức các cuộc họp và tiếp khách của Uỷ ban nhân dân xã phải quán triệt tinh thần thiết thực, tiết kiệm chống lãng phí.

    9. Trách nhiệm của Văn phòng Uỷ ban nhân dân xã trong phục vụ các cuộc họp và tiếp khách của Uỷ ban nhân dân xã:

              a) Chủ động đề xuất, bố trí lịch họp, làm việc, cùng với các cán bộ, công chức có liên quan đến nội dung cuộc họp, tiếp khách chuẩn bị các điều kiện phục vụ.

    b) Theo chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, phối hợp với các cán bộ, công chức liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình các cuộc họp, làm việc; gửi giấy mời và tài liệu đến các đại biểu; ghi biên bản các cuộc họp.

    Điều 11. giải quyết các công việc của Uỷ ban nhân dân xã

    1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức theo cơ chế “Một cửa” từ tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ đến trả kết quả thông qua một đầu mối là là “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” tại Uỷ ban nhân dân; ban hành quy trình và tiếp nhận hồ sơ, xử lý, trình ký, trả kết quả cho công dân theo quy định hiện hành.

    2. Công khai, niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, các thủ tục hành chính, phí, lệ phí, thời gian giải quyết công việc của công dân, tổ chức; bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức và công dân; xử lý kịp thời mọi biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân của cán bộ, công chức cấp xã.

    3. Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm phối hợp với các bộ phận có liên quan của Uỷ ban nhân dân xã  hoặc với Uỷ ban nhân dân huyện để giải quyết công việc của công dân và tổ chức; không để người có nhu cầu liên hệ công việc phải đi lại nhiều lần.

    4. Bố trí đủ cán bộ, công chức có đủ năng lự và phẩm chất tốt, có khả năng giao tiếp với công dân và tổ chức làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; trong khả năng cho phép, cần bố chí phòng làm việc thích hợp, tiện nghi, đủ điều kiện phục vụ nhân dân.

              Điều 12. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

              1. Hàng tuần chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã bố chí ít nhất 1 buổi để tiếp dân, lịch tiếp dân phải được công bố công khai để nhân dân biết. Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân phải luôn có ý thức lắng nghe ý kiến phản ánh, giải quyết kịp thời hoặc hướng dẫn công dân thực hiện nhiệm vụ, quyền của mình.

              Uỷ ban nhân dân xã phối hợp với các đoàn thể có liên quan, chỉ đạo cán bộ, công chức tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân theo thẩm quyền; không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Những thủ tục hành chính có liên quan đến quyền, lợi ích của công dân phải được giải quyết nhanh chóng theo quy định của pháp luật. đối với những vụ việc vượt quá thẩm quyền, phải hướng dẫn chu đáo, tỉ mĩ để công dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận giải quyết.

              Trưởng thôn có trách nhiệm nắm vững tình hình an ninh trật tự, những thắc mắc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chủ động giải quyết hoặc đề xuất với Uỷ ban nhân dân xã  kịp thời giải quyết, không để tồn đọng kéo dài.

              2. Cán bộ, công chức phụ trách từng lĩnh vực công tác của Uỷ ban nhân dân xã  chịu trách nhiệm giúp chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại, chuyển kịp thời đến bộ phận, cơ quan có trách nhiệm giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân.

              Điều 13. Phối hợp giữa Uỷ ban nhân dân với Thanh tra nhân dân ở cấp xã.

              Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm:

              1. Thông báo kịp thời cho Ban thanh tra nhân dân những chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã; các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội hàng năm của địa phương.

              Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết cho Ban thanh tra nhân dân.

              3. Xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân; xử lý nghiêm minh những người có hành vi cản trở hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, hoặc người có hành vi trả thù, trù dập thành viên Ban thanh tra nhân dân.

              4. Thông báo cho Ban thanh tra nhân dân kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; hổ trợ kinh phí phương tiện để Ban thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả theo quy định của pháp luật.

              Điều 14. Thông tin tuyên truyền và báo cáo.

              1. Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các văn bản của Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân xã cho nhân dân bằng những hình thức thích hợp; khai thác có hiệu quả hệ thống truyền thanh, nhà văn hoá, tủ sách pháp luật, điểm bưu điện văn hoá xã để tuyên truyền, phổ biến, giải thích đường lối chính sách, pháp luật.

              Khi có vấn đề đột xuất, phức tạp nảy sinh Uỷ ban nhân dân xã phải báo cáo tình hình kịp thời với Uỷ ban nhân dân  huyện bằng phương tiện thông tin nhanh nhất.

              2. Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, các thành viên Uỷ ban nhân dân xã, cán bộ, công chức cấp xã, trưởng thôn có trách nhiệm tổng hợp tình hình về lĩnh vực và địa bàn mình phụ trách; báo cáo chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã để Uỷ ban nhân dân xã báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện và cơ quan chuyên môn cấp huyện theo quy định.

              3. Văn phòng Uỷ ban nhân dân xã giúp Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tổng hợp báo cáo kiểm điểm chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân xã theo định kỳ 6 tháng và cả năm; báo cáo tổng kết nhiệm kỳ theo quy định. Báo cáo được gửi Hội đồng nhân dân xã và Uỷ ban nhân dân huyện, đồng gửi các thành viên Uỷ ban nhân dân, Thường trực Đảng uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Mặt trân Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp xã.

     

    CHƯƠNG V

    QUẢN LÝ VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ

              Điều 15. Quản lý văn bản.

    1. Tất cả các loại văn bản đến, văn bản đi đều phải qua văn phòng Uỷ ban nhân dân xã. Văn phòng Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm đăng ký các văn bản đến vào sổ công văn và chuyển đến các địa chỉ, người có trách nhiệm giải quyết. Các văn bản đóng dấu hoả tốc, khẩn phải chuyển ngay khi nhận được.

              2. Đối với những văn bản phát hành của Uỷ ban nhân dân và chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, văn phòng Uỷ ban nhân dân xã phải ghi đầu đủ ký hiệu, số văn bản, ngày, tháng, năm, đóng dấu và gửi theo đúng địa chỉ; đồng thời lưu giữ hồ sơ và bản gốc.

              3. Các vấn đề về chủ trương, chính sách đã được quyết định trong phiên họp của Uỷ ban nhân dân xã đều phải được cụ thể hoá bằng các quyết định, Chị thị của Uỷ ban nhân dân xã. Văn phòng Uỷ ban nhân dân xã hoặc cán bộ, công chức theo dõi lĩnh vực có trách nhiệm dự thảo, trình Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ký ban hành chậm nhất là 5 ngày, kể từ ngày phiên họp kết thúc.

              Điều 16. Soạn thảo và thông qua văn bản của Uỷ ban nhân dân xã.

              Trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân xã thực hiện theo quy định tại điều 45; 46 luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004.

              1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phân công và chỉ đạo việc soạn thảo văn bản. Cán bộ, công chức theo dõi lĩnh nào thì chủ trì soạn thảo văn bản thuộc lĩnh vực đó, chịu trách nhiệm về nội dung và thể thức theo quy định; Phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung dự thảo để hoàn chỉnh văn bản trình chủ tịch Uỷ ban nhân dân hoặc phó chủ tịch phụ trách xem xét, quyết định.

              2. Đối với các Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân, căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã tổ chức việc lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể có liên quan và của nhân dân tại các thôn, các khu vực dân cư để chính lý dự thảo.

              Tổ chức, cá nhân được phân công soạn thảo phải gửi tờ trình, dự thảo Quyết định, Chỉ thị, bản tổng hợp ý kiến góp ý và các tài liệu có liên quan đến các thành viên Uỷ ban nhân dân chậm nhất là 3 ngày trước ngày họp Uỷ ban nhân dân.

              3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thay mặt Uỷ ban nhân dân ký ban hành Quyết định, Chỉ thị sau khi được Uỷ ban nhân dân quyết định thông qua.

              4. Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân chỉ đạo việc soạn thảo, ký ban hành Quyết định, Chỉ thị theo quy định đại Điều 48 Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.

    Điều 17. Thẩm quyền ký văn bản.

    1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ký các văn bản trình Uỷ ban nhân dân huyện và Hội đồng nhân dân xã; các quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân xã các văn bản thuộc thẩm quyền cá nhân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

              Khi Chủ tịch vắng mặt, Chủ tịch uỷ quyền cho Phó chủ tịch ký thay. Phó chủ tịch có trách nhiệm báo cáo Chủ tich biết những văn bản đã ký thay.

              2. Phó chủ tịch ký thay Chủ tịch văn bản xử lý những vấn đề cụ thể, chỉ dạo chuyên môn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực được Chủ tịch phân công.

    Điều 18. Kiểm tra tình hình thực hiện văn bản.

              Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra tình hình các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên, văn bản của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã, kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản đó, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi.

              Phó chủ tich, các uỷ viên Uỷ ban nhân dân xã, cán bộ và công chức cấp xã, trưởng thôn theo nhiệm vụ được phân công phải thường xuyên sâu sát từng thôn, từng hộ, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước của mọi công dân trên địa bàn xã./.

    TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

                CHỦ TỊCH

     

     

     

          Nguyễn Hữu Hồng

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

                                                                                         

     

    °